° Có tới 22 thí sinh đạt điểm tuyệt đối
° CTCS Tân Biên đoạt giải nhất đồng đội,
CT CPCS Đồng Phú và CTCS Chư Păh đoạt giải nhì
° Thí sinh Phạm Chí Mạnh (CT CPCS Đồng Phú) đoạt giải nhất cá nhân
° Các thí sinh không đoạt giải được thưởng 800.000đ/người
Trong hai ngày 18, 19/12/2008 tại trường thi Nông trường 6 (CTCS Phú Riềng), Tập đoàn CNCS VN đã tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành cao su năm 2008. Có 124 thí sinh từ 26 đoàn của các CTCS trực thuộc và một số địa phương về dự. Đến chỉ đạo và động viên Hội thi, về phía Tập đoàn có các ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Chủ tịch HĐQT; Lê Quang Thung – TGĐ; Lê Văn Bình - Phó TGĐ thường trực, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, Lê Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Cao su VN… Về phía khách mời có các ông: Bùi Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; Trịnh Duy Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cùng nhiều cán bộ Sở, Ban, Ngành trực thuộc.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Lê Văn Bình - Phó TGĐ thường trực, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi nhấn mạnh – đây là lần đầu tiên thí sinh thi trên phần cây có miệng cạo úp, thay vì trên phần cây có miệng cạo ngửa như những năm trước đây. Vì vậy đòi hỏi thí sinh phải tập trung cao để thể hiện mình. Ông Lê Quang Thung, TGĐ phát biểu, mong rằng qua Hội thi, các thí sinh cùng thi giỏi, đua nhau vượt lên, tiếp tục là những hạt nhân nòng cốt tại các đơn vị. Ông tin rằng từ truyền thống công nhân cao su, ngành sẽ vượt qua năm 2009 nhiều khó khăn, thử thách.
Sau hai ngày thi lý thuyết, thực hành sôi nổi, Đoàn thợ giỏi CTCS Tân Biên đã đoạt giải nhất đồng đội (Cúp + 20 triệu đồng); hai đoàn Chư Păh, Đồng Phú đoạt giải nhì (Cúp + 15 triệu đồng/giải); ba đoàn Phú Riềng, Bình Long, Krông Buk đoạt giải ba (Cúp + 10 triệu đồng/giải); sáu đoàn Bà Rịa, Hòa Bình, Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Binh đoàn 15, TNXP Tây Ninh đoạt giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải). Về giải cá nhân, đặc biệt trong cuộc thi năm nay dù thi trên phần cây có miệng cạo úp đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, nhưng đã có tới 22 thí sinh đạt điểm tuyệt đối (100 điểm). Ban Tổ chức đã phải xét tới các chỉ số phụ để tính thứ hạng. Kết quả : Thí sinh Phạm Chí Mạnh (CT CPCS Đồng Phú) đoạt giải nhất (Giấy khen (GK) + 10 triệu đồng); ba thí sinh Trần Quang Đạt (Lộc Ninh), Lê Ngọc Hà (Đồng Phú), Nguyễn Văn Tiến (Binh Đoàn 15) đoạt giải nhì (GK + 8 triệu đồng/giải); năm thí sinh Nguyễn Thị Niên (Chư Păh), Vũ Thị Sớm (Phú Riềng), Nguyễn Hữu Nghị (Phú Riềng), Nguyễn Thị Tươi (Binh đoàn 15), Bùi Đăng Phúc (Hòa Bình) đoạt giải ba (GK + 6 triệu đồng/giải); ngoài ra còn 13 thí sinh đoạt giải khuyến khích (GK + 3 triệu đồng/giải). Ban Tổ chức còn trao giải cho thí sinh nhỏ tuổi nhất (Lê Thị Kiều, 18 tuổi,CTCPCS Thống Nhất); thí sinh lớn tuổi nhất (Dương Văn Thức, 46 tuổi, CTCS Bình Thuận); thí sinh người dân tộc (Ayung, CTCS Mang Yang) – mỗi giải 2 triệu đồng.
Ngoài các giải chính thức, các thí sinh còn nhận được nhiều giải thưởng bằng hiện kim, hiện vật của Công đoàn Cao su VN và 18 nhà tài trợ. Đặc biệt, tất cả các thí sinh không đoạt giải cũng được thưởng mỗi người 800.000 đồng. So với Hội thi lần trước (2006) chỉ có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối, thì lần này có tới 22 thí sinh, cho thấy công tác luyện tay nghề – thi thợ giỏi trong ngành cao su ngày càng được chú trọng.
CTCS TÂN BIÊN: ĐƠN VỊ ĐOẠT GIẢI NHẤT TOÀN ĐOÀN
Với tổng số điểm 493, Tân Biên đã xuất sắc vượt qua 25 đơn vị còn lại để đứng lên bục cao nhất của Hội thi thợ giỏi khai thác mủ toàn ngành năm 2008. Anh Phạm Văn Khánh – Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp CTCS Tân Biên, cho biết: “Để có được những thí sinh giỏi tham gia hội thi lần này, chúng tôi đã tuyển chọn rất kỹ từ các hội thi cạo mủ cấp đội, cấp NT và công ty. Qua đó, chọn ra 6 thành viên để huấn luyện đặc biệt. Trong 18 ngày huấn luyện, các huấn luyện viên đã truyền đạt các kỹ năng, thao tác khi thi thực hành, đồng thời bồi dưỡng chi tiết những nội dung lý thuyết”.
Hiện nay, diện tích khai thác của CTCS Tân Biên là 6.050,06 ha (trong đó diện tích cạo miệng úp chiếm 60%) với 1.720 CN. Cũng như các đơn vị khai thác và kinh doanh cao su trong ngành, ngay từ đầu năm, lãnh đạo cùng với các đoàn thể, các phòng chức năng công ty phát động đến từng đội của các NT về phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi. Bên cạnh đó, lãnh đạo NT thường xuyên khen thưởng các cá nhân, đội có tay nghề cao. Qua phong trào này, tay nghề của CN được tăng lên rõ rệt. Năm 2008, tỷ lệ CN khai thác có tay nghề giỏi chiếm 65%, CN có tay nghề khá là 28%, không có CN nào thuộc diện yếu kém.
Cùng với tỷ lệ tay nghề khá, giỏi cao, lãnh đạo công ty còn thực hiện tốt các biện pháp thâm canh vườn cây, bôi thuốc kích thích phù hợp, nên năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2008, năng suất vườn cây đạt 2,14 tấn/ha và là năm thứ 3 liên tục Tân Biên có mặt trong danh sách các thành viên của CLB 2 tấn/ha.
Ng. Cường
Phạm Chí Mạnh: BÀN
TAY
VÀNG NĂM 2008
Khi nghe Ban giám khảo công bố mình đoạt giải nhất cá nhân, Mạnh đã mừng chảy nước mắt. Niềm vui đến với anh quá đỗi bất ngờ và nó như được nhân lên khi bạn bè đồng nghiệp ùa tới chúc mừng anh về thành tích xuất sắc này.
Phạm Chí Mạnh sinh năm 1986 ở Hà Tĩnh. Mạnh vào Nam sống cùng gia đình tại Bình Phước từ năm 2000. Đang học dang dở lớp 10, Mạnh phải nghỉ học để vào sống cùng gia đình. Việc học lỡ dỡ, kinh tế eo hẹp, anh đã phải bỏ học nửa chừng để đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 2002, Mạnh xin vào làm CN NT Tân Thành (CT CPCS Đồng Phú). Dù đã có 6 năm thâm niên trong nghề nhưng đến với hội thi năm nay, Mạnh chỉ là một tân binh so với những thí sinh khác. Thành tích mà Mạnh đạt được là: Giải ba NT Tân Thành 2008, giải nhì CT CPCS Đồng Phú. Tuy vậy, anh cùng các thí sinh trong đoàn CT CPCS Đồng Phú cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ khi mỗi ngày bỏ ra 3-4 tiếng luyện tập ròng rã trong 4 tháng trời.
Ông Phạm Ngọc Hồng, huấn luyện viên của Mạnh, nhận xét về Bàn tay Vàng 2008: “Mạnh là một học trò rất khiêm tốn và nhã nhặn. Trong quá trình luyện tập, Mạnh là một trong những học trò giỏi và chăm chỉ. Đến với hội thi tôi luôn đặt niềm tin vào Mạnh và chắc chắn một điều là Mạnh sẽ đem giải về cho công ty”.
Về số tiền thưởng 10 triệu đồng cho giải nhất cá nhân, Mạnh “bật mí”: “Mình dự tính mua tặng vợ một món quà nhỏ và khao cả nhà, cơ quan ra trò. Đây cũng là dịp để cùng bạn bè và đồng nghiệp của mình “xả hơi” sau một năm làm việc vất vả” (cười).
Bên cạnh làm CN, Mạnh còn ấp ủ ước mơ được học thêm một nghề riêng nữa. “Nếu có cơ hội mình sẽ đi học nghề sửa chữa xe gắn máy. Đó là nghề mình yêu thích từ khi còn nhỏ”, Mạnh vui vẻ tiết lộ.
Phan Hoàng
BÊN LỀ HỘI THI
Có dự thi, có tiền thưởng!
Cũng như các hội thi trước, năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ, nhưng chỉ là tài trợ chung. Thế là giữa lễ công bố kết quả, ban tổ chức bất chợt đưa ra ý định sẽ chia số tiền tài trợ cho toàn bộ 124 thí sinh tham gia hội thi, mỗi người được nhận 800.000 đồng. Nghe tin này, ai nấy đều phấn khởi và vỗ tay rần rần.
Quýnh quá… quên cả “dế yêu”
Khi tiếng còi hiệu lệnh vang lên, các thí sinh tức tốc nhập cuộc. Một đại biểu của đoàn Hà Giang chạy theo cổ vũ cho đoàn của mình hăng quá nên quên cả “dế yêu” trên bàn đại biểu. Đến cuối giờ chiều, chủ nhân mới giật mình nhớ ra mình.. quên “dế”! Cũng may là cuối cùng “dế” lại về với chủ.
Phú Riềng lập hattrick!
Rất nhiều người thắc mắc về việc do đâu CTCS Phú Riềng lập hattrick (3 lần liên tiếp) được đăng cai tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ ngành cao su. Về việc này, ông Lê Văn Bình- Phó TGĐ Tập đoàn, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, giải thích: “Phú Riềng có vườn cây chất lượng đảm bảo tốt cho các thí sinh thi thực hành. Mặt khác, các cơ sở vật chất phục vụ cho hội thi như ăn ở, đi lại đều đáp ứng được yêu cầu của Ban Tổ chức đối với một hội thi có quy mô toàn ngành”.
(theo Tạp chí cao su)
|